Trang chủ

Vật liệu XD

Tôn lợp

Du lịch Hải Đăng

Tư vấn

Thú cưng

Ẩm thực

Seo Website

Quảng Cáo ADS

Liên hệ

Tin Mới
Thursday, 21/11/2024 |

Pháp luật, văn bản pháp luật là gì? Hệ thống pháp luật Việt Nam

5.0/5 (1 votes)

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân của nước ta và công nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Pháp luật là gì?

Tại bài viết này, Báo Tin Nhanh xin chia sẻ đến bạn chi tiết những khái niệm về pháp luật là gì? Văn bản pháp luật là gì? Hệ hống pháp luật là gì? Lịch sử hình thành và đặc điểm, cấu trúc hệ thống pháp luật Việt Nam. Cùng tìm hiểu chi tiết bài viết dưới đây nhé.

1. Pháp luật là gì?

Pháp luật là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, khu vực, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.


Pháp luật thường được thực thi thông qua hệ thống toàn án, trong đó quan tòa sẽ áp dụng các quy định để đưa ra các phán quyết công bằng thông qua các tranh luận của các bên.

Cách thức mà pháp luật được thực thi được biết đến như là hệ thống pháp lý, thông thường phát triển trên cơ sở tập quán tại mỗi quốc gia. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có một kiểu Nhà nước và một kiểu pháp luật tương ứng.

1.1 Văn bản pháp luật là gì?

Văn bản pháp luật là hình thức pháp luật thành văn (văn bản) được thể hiện thông qua các văn bản chứa được các quy định pháp luật do cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội (Theo wiki)

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Văn bản pháp luật bao gồm ba nhóm văn bản chính là: 

  • Văn bản quy phạm pháp luật
  • Văn bản áp dụng pháp luật 
  • Văn bản hành chính. 

Mỗi nhóm trong hệ thống VBPL còn có một số nét đặc thù về nội dung, tính chất và vai trò trong quản lý nhà nước.

1.2 Hệ thống pháp luật là gì?

Hệ thống pháp luật là tập hợp tất cả các quy phạm, văn bản pháp luật tạo thành một cấu trúc tổng thể, được phân chia thành các bộ phận có sự thống nhất nội tại theo những tiêu chí nhất định như bản chất, nội dung, mục đích. Hệ thống pháp luật bao gồm hệ thống cấu trúc bên trong và hệ thống cấu trúc bên ngoài.

a) Hệ thống cấu trúc bên trong

Là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân chia thành các ngành luật, mỗi ngành luật lại được cấu tạo bởi một bộ phận các quy phạm pháp luật có sự thống nhất nội tại, có chung đối tượng và phương pháp điều chỉnh. 

Trong mỗi bộ phận lại được phân bổ thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành các chế định pháp luật và mỗi chế định pháp luật lại được hình thành từ các quy phạm pháp luật.

b) Hệ thống cấu trúc bên ngoài

Là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng. Hệ thống cấu trúc bên ngoài được phân định thành các văn bản luật và văn bản dưới luật.

2. Hệ thống pháp luật Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam được phân định thành các ngành luật, các chế định pháp luật và được thể hiện dưới dạng văn bản do cơ quan nhà nước ban hành theo hình thức, thủ tục theo quy định. Trong đó, Hiến pháp, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật.


2.1 Lịch sử hình thành hệ thống pháp luật Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên những thời kỳ, giai đoạn lịch sử và đời sống của dân tộc Việt Nam. Trải qua mỗi một thời kỳ, hệ thống pháp luật của nước ta ngày một hoàn thiện hơn. 

Cùng tham khảo lịch sử hình thành hệ thống pháp luật của nước ta qua các thời kỳ như sau:

a) Giai đoạn thời Lý

Bộ Luật Hình Thư được ra đời. Đây được xem là bộ luật quốc gia thành văn đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước nhà.

Hình thư gồm 3 quyển, trong đó bao gồm các quy định:

  • Tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại.
  • Biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
  • Sở hữu và mua bán đất đai, tài sản, quy định về thuế…

b) Giai đoạn thời Trần

Đến giai đoạn thời Trần thì bộ luật mang tên Quốc Triều Hình Luật ra đời. Đây là bộ luật kế thừa nội dung của Hình thư từ thời Lý và bổ sung và điều chỉnh nhất định về hình phạt, thủ tục tố tụng và chế độ tư hữu đất đai, tài sản.

c) Giai đoạn thời Lê

Cụ thể vào Thời vua Lê Thánh Tông, Bộ Luật Hồng Đức được vua xây dựng bao gồm 722 điều, chia thành 12 chương, 6 quyển. Trong đó, có các nội dung về hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và tố tụng.

Đây được đánh giá là thành tựu có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam.

d) Giai đoạn thời Nguyễn

Bộ Luật Gia Long được xây dựng bao gồm 398 Điều, chia thành 22 quyển và 6 lĩnh vực. Trong đó, có các nội dung quy định về:

  • Tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại.
  • Tội danh và hình phạt.
  • Quản lý dân cư và đất đai.
  • Ngoại giao và nghi lễ cung đình.
  • Tổ chức quân đội và quốc phòng.
  • Xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm.
  • Được đánh giá là một trong hai bộ luật tổng hợp có quy mô lớn và nội dung phong phú.

e) Giai đoạn từ 1945 đến 1954

Cụ thể, vào ngày 09/11/1946 Hiến Pháp Việt Nam được ban hành. Đây là bản án Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bản Hiến pháp này khẳng định quyền tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam ta. Bản Hiến Pháp bao gồm: 7 chương và 70 điều, trong đó có các nội dung quy định về:

  • Chính thể.
  • Nghĩa vụ quyền lợi của công dân.
  • Cơ cấu tổ chức của Nghị viên nhân dân, Chính phủ, HĐND, Ủy ban hành chính và cơ quan tư pháp.

Kể từ ngày 19/12/1946 – Ngày Toàn quốc kháng chiến, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 479 văn bản pháp luật, trong đó có 243 sắc lệnh, 46 Thông tư và 12 văn bản khác.

f) Giai đoạn từ 1954 đến 1986

Giai đoạn từ 1954 đến 1986, hệ thống pháp luật của nước ta có sự điều chỉnh và thay đổi thông qua 2 bản Hiến Pháp năm 1960 và 1980.

Hiến pháp 1960 (1/1/1960) bao gồm 10 chương và 112 Điều. Trong đó, có các nội dung chính quy định về:

  • Chế độ chính trị, kinh tế và xã hội.
  • Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước.
  • Quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân…
  • Sau khi Hiến pháp 1959 được thông qua, hoạt động lập pháp của nước ta chỉ quan tâm đến lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, nghĩa vụ quân sự và pháp luật hình sự. Các lĩnh vực khác ít được quan tâm hơn.

Hiến pháp 1980 (19/12/1980) ra đời nhằm thể chế hóa đường lối chủ trưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Bao gồm 12 chương và 147 Điều. Trong đó, có các nội dung chính quy định về:

  • Chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
  • Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
  • Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của cơ quan nhà nước.

Hoạt động lập pháp tập trung chủ yếu về các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật hình sự, lĩnh vực quân sự…

Thông qua 2 bản hiến pháp này, tính ưu việt của Pháp luật xã hội chủ nghĩa được phát huy. Tuy nhiên trong giai đoạn này vẫn còn những hạn chế về cơ chế tập trung, bao cấp làm chậm sự phát triển kinh tế đất nước.

g) Giai đoạn từ 1986 đến nay

Từ năm 1986 đến nay, nước ta thông qua 3 bản hiến pháp: Hiến pháp 1992, nghị quyết 51/2001/QH10 (sửa đổi Hiến Pháp 1992) và Hiến pháp 2013.

Hiến pháp 1992 thông qua ngày 18/4/1992. Hiến pháp này khẳng định Nhà nước phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Bao gồm 12 chương và 147 Điều. Trong đó, có các nội dung chính quy định về:

  • Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
  • Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
  • Cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.
  • Thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ.

Từ sau khi Hiến pháp 1992 được thông qua, hệ thống pháp luật Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt.

7/1/2002 Quốc hội ban hành Nghị quyết 51/2001/QH10 (sửa đổi Hiến pháp 1992) để sửa đổi những thiếu sót và bất cập so với thực tế. Nghị quyết 51 ra đời với mục đích hoàn thiện Hiến pháp 1992.

Nghị quyết 51 ra đời khẳng định rõ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

1/1/2014 Hiến pháp 2013 được thông qua với những nội dung được điều chỉnh và tối ưu hơn hệ thống pháp luật nước nhà. Hiến pháp 2013 ra đời đánh dấu bước hoàn thiện hoạt động lập pháp của nước nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Hiến pháp 2013 bao gồm 11 chương và 120 Điều, trong đó bao gồm các nội dung chính về:

  • Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giáo dục.
  • Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
  • Tổ chức bộ máy nhà nước.
  • Bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, trải qua từng thời kỳ và giai đoạn lịch sử, hệ thống pháp luật nước ta ngày một được điều chỉnh tối ưu và hoàn thiện hơn. Quan điểm đổi mới đã khắc phục được những nhược điểm trước đó, hệ thống pháp luật có đầy đủ các ngành luật điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội. 

Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất. Do Quốc hội ban hành. Luật hoặc Bộ luật – Do Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký quyết định ban hành. 

Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau đó và tạo điều kiện phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, tạo điều kiện và bảo vệ mọi quyền công dân của nước ta và kể cả những công dân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

2.2 Đặc điểm hệ thống pháp luật Việt Nam

Các đặc điểm của hệ thống pháp luật nước ta là:

  • Được hình thành một cách khách quan, phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
  • Các thành tố của hệ thống pháp luật là do chính các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh xác lập, không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể ban hành pháp luật.
  • Giữa các thành tố của hệ thống pháp luật luôn có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với nhau. Đồng thời, các bộ phận thành tố của hệ thống pháp có sự tác động qua lại lẫn nhau, phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
  • Hệ thống pháp luật luôn là một tập hợp động, tính ổn định chỉ là tương đối, nó luôn vận động thay đổi, phát triển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật và tiến trình phát triển của đất nước.

2.3 Hệ thống cấu trúc pháp luật Việt Nam

Hệ thống cấu trúc pháp luật Việt Nam gồm:

  • Ngành luật hiến pháp
  • Ngành luật hành chính
  • Ngành luật tài chính
  • Ngành luật ngân hàng
  • Ngành luật đất đai
  • Ngành luật dân sự
  • Ngành luật lao động
  • Ngành luật hình sự
  • Ngành luật kinh tế

3. Các câu hỏi thường gặp về pháp luật

KẾT NỐI ADS xin chia sẻ đến quý bạn đọc những khái niệm, câu hỏi thường gặp nhất của mọi người khi tìm hiểu về hệ thống pháp luật Việt Nam.


3.1 Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

3.2 Quan hệ pháp luật là gì?

Quan hệ pháp luật là các quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, điều chỉnh phát triển hay chấm dứt trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật.

Các yếu tố cầu thành quan hệ pháp luật gồm có: Chủ thể của quan hệ pháp luật, Khách thể của quan hệ pháp luật và Nội dung của quan hệ pháp luật.

3.3 Thực hiện pháp luật là gì?

Thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định. 

Thực hiện pháp luật có thể là một xử sự có tính chủ động, được tiến hành bằng một thao tác nhất định nhưng đó cũng có thể là một xử sự có tính thụ động, tức là không tiến hành vượt xử sự bị pháp luật cấm. Có bốn hình thức thực hiện pháp luật:

  • Tuân thủ pháp luật.
  • Thi hành pháp luật.
  • Sử dụng pháp luật.
  • Áp dụng pháp luật.

Trên đây là bài viết về khái niệm pháp luật là gì? Văn bản pháp luật là gì? Hệ thống pháp luật là gì? Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin và kiến thức hữu ích.

>> Các bạn xem thêm vi bằng là gì

Tác giả: Alex Seoer